Sự khác biệt giữa WordPress.org và WordPress.com

Sự khác biệt giữa WordPress.org và WordPress.com

su-khac-biet-giua-wordpress-org-va-wordpress-com

Đây là bài viết đầu tiên trong serie “WordPress căn bản cho người mới bắt đầu” mà tôi đã từng đề cập đến trong bài viết trước. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu với các bạn những thông tin tổng quan về WordPress, sự khác nhau giữa WordPress.org và WordPress.com, cũng như khi nào thì bạn nên lựa chọn chúng. Nếu bạn đang có hứng thú với mã nguồn mở này, hãy dành vài phút để cùng WP Căn bản tìm hiểu nhé.

WordPress là gì?

Theo Wikipedia: “WordPress là một công cụ tạo blog miễn phí, mã nguồn mở và một hệ thống quản lý nội dung (CMS) được xây dựng dựa trên PHP và MySQL. Các tính năng chính của WordPress bao gồm một hệ thống plugin cấu trúc và các template (hay thường gọi là themes). WordPress đang được sử dụng bởi khoảng hơn 23,3% trong số 10 triệu trang web hàng đầu, tính đến tháng 1 năm 2015. WordPress cũng là hệ thống blog phổ biến nhất hiện nay với hơn 60 triệu trang web.

Hiện tại, có 2 loại hình WordPress tồn tại song song, đó là WordPress.com (hay còn gọi là WordPress miễn phí) và WordPress.org (hay WordPress self-hosted). Sở dĩ người ta gọi WordPress.com là WordPress miễn phí, bởi vì khi sử dụng loại hình này, bạn sẽ được miễn phí hoàn toàn mọi thứ (từ mã nguồn đến tên miền, hosting…). Ngược lại, với WordPress.org, bạn sẽ phải tự lo hosting, tên miền (có thể mua hoặc sử dụng các dịch vụ miễn phí) để lưu trữ và vận hành blog/ website. Đó cũng là nguyên nhân WordPress.org còn được gọi là WordPress self-hosted (tự lưu trữ).

Sự khác biệt giữa WordPress.org và WordPress.com

Ngoài việc đều là mã nguồn WordPress thì WordPress.org và WordPress.com có khá nhiều điểm khác biệt mà bạn nên cân nhắc trước khi lựa chọn sử dụng.

Chi phí

Mặc dù được gọi là WordPress miễn phí, tuy nhiên WordPress.com chỉ miễn phí ở một mức độ nhất định, tức là khi bạn sử dụng gói Basic. Còn nếu sử dụng gói Premium hoặc Business, bạn sẽ phải trả từ $99 đến $299/năm.

Dưới đây là bảng so sánh chi phí ước lượng dành cho WordPress.org và WordPress.com.

TIÊU CHÍ WORDPRESS.ORG WORDPRESS.COM
Domain Khoảng $10 – $15/năm cho 1 domain cao cấp. $13/năm nếu bạn muốn dùng domain cao cấp và miễn phí nếu dùng subdomain.
Hosting Khoảng $5/tháng cho 1 gói có cấu hình ở mức trung bình. – 3GB: miễn phí.
– 10GB: $20/năm.
– 25GB: $50/năm.
– 100GB: $160/năm.
– 200GB: $290/năm.
Dung lượng lưu trữ Từ mức vài trăm MB đến Unlimited. Từ 3GB đến 200GB.
Quảng cáo Hoàn toàn không có quảng cáo Muốn gỡ bỏ quảng cáo, bạn phải bỏ ra $30/năm.

Ngoài ra, còn một số chi phí phát sinh khác khi sử dụng WordPress.com, chẳng hạn như:

  • Tuỳ chỉnh thiết kế – $30/blog/năm.
  • Chuyển dữ liệu sang một trang web WordPress.org – $129/blog.
  • Themes cao cấp – $20/themes hoặc $120/năm cho toàn bộ themes.
  • Chuyển hướng trang web – $13/blog/năm.
  • VideoPress – $60/blog/năm.

Basic WordPress.com plan (miễn phí) là một sự lựa chọn ít tốn kém, đặc biệt nếu bạn không cần đến một tên miền cao cấp và không ngại việc sử dụng các giao diện miễn phí, ít khi thay đổi của họ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có một trang web với đầy đủ tính năng, có tên miền riêng, dung lượng lưu trữ không giới hạn và không có quảng cáo thì WordPress.com trở nên khá là đắt.

Lời khuyên: Nếu chi phí là yếu tố quan trọng nhất đối với bạn, download và sử dụng WordPress từ WordPress.org sẽ là sự lựa chọn hợp lý.

Tự do và giới hạn

Khi bạn xây dựng một blog/ website WordPress trên máy chủ của riêng bạn, bạn có thể tự do làm bất cứ điều gì mà mình thích. Ngược lại, với WordPress.com, bạn sẽ bị hạn chế rất nhiều thứ.

TIÊU CHÍ WORDPRESS.ORG WORDPRESS.COM
Plugins Được phép sử dụng các plugins miễn phí hoặc trả phí. Không hỗ trợ plugins.
Themes Được phép sử dụng themes miễn phí và trả phí. Bị giới hạn bởi themes của WordPress.com. Bạn không thể upload và sử dụng theme của riêng mình.
FTP Hỗ trợ FTP Không hỗ trợ FTP.
Dung lượng lưu trữ Có thể đạt đến mức không giới hạn. Bị giới hạn dung lượng lưu trữ.
Tối ưu và tùy biến Có thể tối ưu hoặc tùy biến mã nguồn WordPress để cải thiện hiệu suất. Bị giới hạn và bạn hầu như không thể tùy biến gì. Ví dụ: bạn phải trả tiền để gỡ bỏ quảng cáo khỏi blog.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, với WordPress.com bạn không thể sử dụng giải pháp quảng cáo của bên thứ ba, chẳng hạn như Google AdSense. Bạn cũng không thể theo dõi số liệu thống kê truy cập blog/ website với Google Analytics.

Lời khuyên: Nếu sự tự do và toàn quyền kiểm soát trang web WordPress là một yếu tố quan trọng đối với bạn, hãy lựa chọn mã nguồn WordPress từ WordPress.org.

Bảo trì và phát triển

Có toàn quyền kiểm soát trang web cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn. Bạn sẽ cần phải chuẩn bị tinh thần để thường xuyên bảo trì và cập nhật trang web của mình. Bạn cũng sẽ cần phải chắc chắn rằng trang web của bạn an toàn và khó bị hack. Spam cũng là một vấn đề khá nan giải mà bạn phải đối phó.

Ngược lại, WordPress.com sẽ thay bạn làm tất cả các công việc bảo trì và phát triển. Bạn sẽ không phải lo lắng về việc plugins gây ra lỗi sau khi nâng cấp hoặc trang web của bạn đột nhiên bị downtime vì một vấn đề nào đó với máy chủ. Bạn cũng không cần phải thường xuyên kiểm tra và nâng cấp trang web của mình mỗi khi một phiên bản mới của phần mềm được phát hành.

Lời khuyên: Nếu bạn không muốn phải đối phó với bất cứ điều gì liên quan kỹ thuật hoặc không có thời gian để duy trì và phát triển trang web một cách liên tục thì WordPress.com sẽ là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.

Kết luận

Tùy theo mục đích sử dụng và khả năng tài chính, bạn có thể xem xét lựa chọn WordPress.org hoặc WordPress.com làm mã nguồn cho blog/ website của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, WordPress là một mã nguồn mở và bạn nên sử lựa chọn WordPress.org để thực sự trải nghiệm được hết những tính năng hữu ích mà nó mang lại.

so-sanh-wordpress-org-va-wordpress-com

Trên đây là những khác biệt cơ bản giữa WordPress.org và WordPress.com. Nếu bạn biết bất cứ điều gì khác, hãy chia sẻ nó với chúng tôi trong khung bình luận bên dưới.

Trong bài viết tiếp theo của serie, tôi sẽ tiếp tục giới thiệu đến các bạn những khái niệm liên quan đến web hosting, tiêu chuẩn của hosting dành cho WordPress và những nhà cung cấp dịch vụ hosting mà bạn nên lựa chọn. Mong các bạn chú ý theo dõi.