Tôi sử dụng hình ảnh để làm bài viết của mình trông trực quan và sinh động hơn. Nó giúp tôi thu hút sự chú ý người đọc một cách dễ dàng. Đôi khi một screen-shot (ảnh chụp màn hình) có thể làm một công việc tốt hơn rất nhiều so với mô tả bằng văn bản. Đó là lý do tại sao chúng ta nên thêm những screen-shot hữu ích vào bài viết. Hình ảnh chủ yếu được sử dụng để cải thiện trải nghiệm của độc giả. Nhưng đồng thời chúng cũng có thể mang lại cho bạn một lượng truy cập không hề nhỏ từ công cụ tìm kiếm khổng lồ Google Image Search. Tất cả những gì các bạn cần làm là tối ưu hóa hình ảnh theo đúng cách.
Các bước tối ưu hóa hình ảnh trong WordPress, tốt cho SEO
Dưới đây là vài điều nên làm để hình ảnh của bạn thân thiện hơn với công cụ tìm kiếm, đồng nghĩa với việc giúp các bài viết (có chứa hình ảnh đó) cải thiện thứ hạng.
1. Giảm kích thước file ảnh
Hình ảnh quá nặng có thể làm cho blog/ website của bạn load chậm, ảnh hưởng tới trải nghiệm của độc giả và có hại cho SEO. Nhiều người sẽ không có đủ kiên nhẫn để ngồi chờ hình ảnh được load đầy đủ. Họ sẽ sử dụng nút “Back” trên trình duyệt, làm tăng bounce rate của blog/ website.
WordPress có sẵn tùy chọn cho phép bạn chỉnh kích thước hình ảnh trong trình soạn thảo bài viết. Nhưng thực sự nó không làm thay đổi dung lượng của hình ảnh, nó chỉ thay đổi kích thước trong HTML mà thôi. Kết quả là, các trình duyệt vẫn phải tải hình ảnh lớn trước rồi sau đó mới thay đổi kích thước của chúng. Vì vậy, để đảm bảo hình ảnh không ảnh hưởng đến thời gian load web, bạn nên nén để giảm thiểu dung lượng của hình ảnh mà không làm giảm chất lượng hiển thị.
Tôi đang sử dụng plugin Optimus để tự động nén hình ảnh cho blog WP Căn bản. Bạn cũng có thể sử dụng các plugin khác như ShortPixel hoặc EWWW Image Optimizer để giảm dung lượng hình ảnh, cho phép blog/ website tải nhanh hơn.
2. Đặt tên file ảnh đúng cách
Rất nhiều người có thói quen đặt tên file hình ảnh có dạng “image001.jpg“. Kiểu đặt tên như thế này thực sự làm mọi việc trở nên khó khăn khi xác định nội dung của hình ảnh. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn sử dụng một cái tên có liên quan và mô tả chính xác nội dung của hình ảnh.
Ví dụ, bạn sử dụng bức ảnh của một cô gái trong bài viết về SEO WordPress. Tên của nó nên được đặt là “wordpress-seo” thay vì “sweet-girl“. Một điều quan trọng nữa là bạn nên sử dụng dấu gạch nối để phân tách các từ riêng biệt trong tên của hình ảnh (“wordpres-seo” tốt hơn là “wordpressseo“). Tuyệt đối không đặt tên hình ảnh bằng tiếng Việt có dấu, vì nó rất dễ gây ra lỗi 404 (do mã hóa link) cho hình ảnh khi bạn chuyển host.
3. Định dạng hình ảnh
Đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng nếu bạn thực sự quan tâm về chất lượng hình ảnh và thời gian load web thì nên cân nhắc để sử dụng định dạng hình ảnh thích hợp. Dưới đây là danh sách các định dạng phổ biến nhất và mục đích sử dụng của chúng:
- JPG/ JPEG – Được sử dụng cho các hình ảnh như ảnh chụp, không đòi hỏi chất lượng cao.
- PNG – Được sử dụng cho các hình ảnh đồ họa như banner, logo… đòi hỏi độ sắc nét cao.
- GIF – Được sử dụng cho hình ảnh động.
Ngoài ra, có một định dạng mới – WebP, thậm chí còn nhẹ hơn JPG/ JPEG khá nhiều. Nếu blog/ website của bạn không đòi hỏi hình ảnh với chất lượng cao thì WebP là sự lựa chọn hợp lý nhất để tăng tốc độ load.
4. Thêm Alt-Text
Alt-Text là cách viết ngắn gọn của Alternative Text (văn bản thay thế). Đây là phần quan trọng bậc nhất trong vấn đề SEO hình ảnh.
Khi chúng ta thấy hình ảnh của hiển thị trên blog/ website, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra tất cả những gì mà hình ảnh muốn diễn tả. Nhưng bot tìm kiếm không thể hiểu được những hình ảnh này một cách dễ dàng. Hầu hết các công cụ tìm kiếm đều dựa trên văn bản để xác định nội dung, chúng không thể đọc được hình ảnh. Alt-Text giúp bot có thể nhanh chóng hiểu được nội dung của hình ảnh.
Hình ảnh cần có thời gian để tải. Lúc đầu, nó sẽ hiển thị một không gian trống thay vì hình ảnh. Nếu bạn không có bất kỳ văn bản thay thế nào thì độc giả và bot tìm kiếm sẽ không hiểu điều gì đang xảy ra với các khoảng không gian trống đó.
5. Thêm chú thích (caption)
Một chú thích (caption) hay và mô tả chính xác nội dung sẽ giúp cho hình ảnh của bạn trở nên hấp dẫn hơn. Vì vậy, đừng quên thêm một chú thích cho hình ảnh nếu nó cần thiết, mặc dù chú thích có thể không ảnh hưởng đến xếp hạng trên công cụ tìm kiếm.
Những điều tôi vừa nói ở trên được diễn tả ngắn gọn như trong screen-shot dưới đây:
Nhìn qua có vẻ như bạn sẽ phải làm rất nhiều công việc chỉ để tối ưu hóa hình ảnh. Nhưng trên thực tế nó không khiến bạn mất quá nhiều thời gian đâu. Một khi bạn làm cho nó trở thành thói quen, mọi việc sẽ rất dễ dàng. Nếu bạn đang vận hành một blog/ website sử dụng nhiều hình ảnh hoặc một trang chuyên về nhiếp ảnh thì đây là những việc bạn bắt buộc phải làm.